Vũ Thanh – Phú Thọ
VinaTrain xin cám ơn câu hỏi của anh Thanh gửi về cho ban tư vấn. Việc lập và trình bày báo cáo tài chính là một nghiệp vụ cơ bản mà bất cứ công ty, doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện. Vậy nên, hãy cùng tham giảm bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn Báo cáo tài chính là gì, nguyên tắc lập và phân tích báo cáo tài chính nhé!
Căn cứ pháp lý: thông tư 200/2014/TT-BTC
I, Báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính là hệ thống các bảng biểu, trình bày thông tin kinh tế để báo cáo về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp cho bộ phận lãnh đạo.
Nói chung, báo cáo tài chính là những bản báo cáo tổng hợp nhất về tình hình tài sản, vốn chủ sở hữu, khoản nợ phải trả và tình hình tài chính kinh tế, kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh theo từng thời kỳ của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trực thuộc ngành, thành phần kinh tế đều phải lập và trình bày báo cáo tài chính năm. Đối với các công ty hay tổng công ty có đơn vị trực thuộc, bên cạnh lập và trình bày báo cáo tài chính năm thì phải thực hiện báo cáo tài chính tổng hợp vào cuối kỳ trên cơ sở báo cáo tài chính của các đơn vị trực thuộc.
II, Ý nghĩa của báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý doanh nghiệp, điều này được thể hiện rõ qua các vấn đề dưới đây:
- Báo cáo tài chính là những báo cáo được trình bày tổng quan nhằm phản ánh một cách bao quát nhất về tình hình kinh doanh, kết quả kinh doanh, các khoản nợ, nguồn hình thành tài sản trong kỳ của doanh nghiệp.
- Báo cáo tài chính cung cấp những thông tin kinh tế, tài chính với mục đích giúp doanh nghiệp đánh giá được tình hình, thực trạng tài chính và kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ qua, từ đó thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn và điều chỉnh khả năng huy động nguồn vốn vào doanh nghiệp.
- Báo cáo tài chính là cơ sở để nghiên cứu, phân tích những tiền năng tiềm và là căn cứ quan trọng để đưa ra các quyết định trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư của doanh nghiệp.
- Báo cáo tài chính là những cơ sở để xây dựng các kế hoạch kinh tế tài chính cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh, từ đó tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
III, Nguyên tắc lập và phân tích báo cáo tài chính

Nguyên tắc 1
Việc lập và trình bày báo cáo tài chính phải thực hiện đúng theo các quy định tại Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính” và các Chuẩn mực kế toán khác có liên quan. Các thông tin quan trọng trong báo cáo tài chính phải được trình bày giúp người đọc hiểu đúng và nắm được thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Theo Chuẩn mực kế toán “ Trình bày Báo cáo tài chính” phải thực hiện lập và trình bày Báo cáo tài chính theo các nguyên tắc sau:
- Hoạt động liên tục
- Báo cáo tài chính phải được doanh nghiệp lập ra trên cơ sở giả định rằng doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và vẫn sẽ tiến hành kinh doanh bình thường trong tương lai gần, trừ trường hợp, doanh nghiệp có ý định dừng hoạt động, hoặc bị buộc phải ngừng hoạt động hay thu hẹp đáng kể về quy mô.
- Khi lập và trình bày báo cáo tài chính, doanh nghiệp đồng thời phải đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của mình. Để đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp cần phải xem xét và phân tích mọi thông tin để có thể dự đoán được tối thiểu trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán.
- Cơ sở dồn tích
-
- Doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính trên cơ sở kế toán dồn tích (không bao gồm những thông tin liên quan đến các luồng tiền).
- Các giao dịch và sự kiện được ghi nhận vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực thu, thực chi tiền và được ghi nhận vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của các kỳ kế toán liên quan.
- Các khoản chi phí được ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí.
- Nhất quán
-
- Việc lập và trình bày báo cáo tài chính phải hợp lý và nhất quán từ niên độ này sang niên độ khác. Có thể điều chỉnh cách trình bày các giao dịch, các sự kiện nếu có sự thay đổi đáng kể về bản chất các hoạt động của doanh nghiệp
- Trọng yếu và tập hợp
-
- Trong báo cáo tài chính, các khoản mục trọng yếu phải được trình bày riêng biệt, còn các khoản mục không trọng yếu thì tập hợp lại theo từng nhóm khoản mục có cùng tính chất hoặc chức năng.
-
- Khi trình bày báo cáo tài chính, nếu không trình bày hoặc trình bày không chính xác các thông tin trọng yếu có thể làm sai lệch báo cáo tài chính một cách đáng kể, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế tài chính của người sử dụng báo cáo tài chính.
- Để xác định được các khoản mục có phải trọng yếu hay không cần đánh giá tính chất và quy mô của chúng. Tuỳ vào các tình huống cụ thể, tính chất hoặc quy mô của từng khoản mục có thể là nhân tố quyết định tính trọng yếu.
- Bù trừ
-
- Doanh nghiệp phải trình bày riêng biệt các khoản mục tài sản và công nợ trên báo cáo tài chính. Ngoài ra, các khoản mục tài sản và nợ phải trả trình bày trên báo cáo tài chính không được bù trừ, trừ khi một chuẩn mực kế toán khác quy định hoặc cho phép bù trừ.
- Các khoản mục doanh thu, thu nhập khác và chi phí chỉ được bù trừ khi: Được quy định tại một chuẩn mực kế toán khác hoặc các khoản lãi, lỗ và các chi phí liên quan phát sinh từ các giao dịch và các sự kiện giống nhau hoặc tương tự và không có tính trọng yếu.
- Các tài sản và nợ phải trả, các khoản thu nhập và chi phí có tính trọng yếu phải được báo cáo riêng biệt. Việc bù trừ các số liệu trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hoặc Bảng cân đối kế toán, ngoại trừ trường hợp việc bù trừ này phản ánh bản chất của giao dịch hoặc sự kiện, sẽ không cho phép người sử dụng hiểu được các giao dịch hoặc sự kiện được thực hiện và dự tính được các luồng tiền trong tương lai của doanh nghiệp.
- Có thể so sánh
-
- Các thông tin bằng số liệu trong báo cáo tài chính nhằm để so sánh giữa các kỳ kế toán phải được trình bày tương ứng với các thông tin bằng số liệu trong báo cáo tài chính của kỳ trước.
- Khi thay đổi cách trình bày hoặc cách phân loại các khoản mục trong báo cáo tài chính, thì phải phân loại lại các số liệu so sánh nhằm đảm bảo khả năng so sánh với kỳ hiện tại, và phải trình bày tính chất, số liệu và lý do việc phân loại lại.
Nguyên tắc 2
Báo cáo tài chính phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện hơn là hình thức pháp lý của các giao dịch và sự kiện đó.
Nguyên tắc 3
Tài sản không được ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi; Nợ phải trả không được ghi nhận thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán.
Nguyên tắc 4
Phân loại tài sản và nợ phải trả: Tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán phải được trình bày thành ngắn hạn và dài hạn. Trong từng phần ngắn hạn và dài hạn, các chỉ tiêu được sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần.
- Tài sản hoặc nợ phải trả có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo được phân loại là ngắn hạn;
- Những tài sản và nợ phải trả không được phân loại là ngắn hạn thì được phân loại là dài hạn.
- Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải thực hiện tái phân loại tài sản và nợ phải trả được phân loại là dài hạn trong kỳ trước nhưng có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo thành ngắn hạn.
Nguyên tắc 5
Tài sản và nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt. Chỉ thực hiện bù trừ khi tài sản và nợ phải trả liên quan đến cùng một đối tượng, có vòng quay nhanh, thời gian đáo hạn ngắn, phát sinh từ các giao dịch và sự kiện cùng loại.
Nguyên tắc 6
Các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí phải được trình bày theo nguyên tắc phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí và luồng tiền của kỳ báo cáo. Các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí của các kỳ trước có sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền phải được điều chỉnh hồi tố, không điều chỉnh vào kỳ báo cáo.
Nguyên tắc 7
Khi lập Báo cáo tài chính tổng hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, số dư các khoản mục nội bộ của Bảng cân đối kế toán, các khoản doanh thu, chi phí, lãi, lỗ được coi là chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải được loại trừ.
Tạm kết: Việc lập và phân tích báo cáo tài chính là một kỹ năng nghiệp vụ quan trọng, không chỉ cần thiết đối với kế toán viên mà còn những người đứng đầu các công ty, doanh nghiệp để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, phù hợp với tiềm năng kinh tế, tài chính. Trên đây, VinaTrain xin chia sẻ về báo cáo tài chính là gì, nguyên tắc lập và phân tích báo cáo tài chính. Hy vọng sẽ phần nào giải quyết được thắc mắc của quý bạn đọc.
Chúc các bạn thành công!
Tổng hợp – Biên tập: Phước Thiện
_____________________________________________________________
HỆ THỐNG ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ THỰC TẾ VINATRAIN
- Văn phòng Hồ Chí Minh:
– 45 Thạch Thị Thanh, Phường Tân Định, Quận 1
- Văn Phòng Hà Nội:
– 185 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
– Số 43 Khu Tập Thể Công An Xa La, TDP 12, P. Phúc La, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội
- Hotline tư vấn đào tạo: 0964.237.168
- Hotline tư vấn dịch vụ xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan: 0931.705.774
- Gmail: vinatrain.edu.vn@gmail.com
Mục lục nội dung