Cách Đọc Vận Đơn Đường Biển ( BILL OF LADING ) Dễ Hiểu Nhất

24668 lượt xem Xuất Nhập Khẩu
Hướng dẫn đọc hiểu chi tiết vận đơn đường biển (Bill of lading)

Bạn đang tìm hiểu về những chứng từ giữa người mua và người bán như hợp đồng ngoại thương, Invoice, Packing list,… trong xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng chưa biết rõ vận đơn đường biển là gì và cách đọc hiểu vận đơn đường biển. Trong bài viết này VinaTrain sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vận đơn đường biển nhé!

Cách Đọc Vận Đơn Đường Biển ( BILL OF LADING ) Dễ Hiểu Nhất

I. Khái Niệm Vận Đơn Đường Biển (Bill of lading) Là Gì?

Vận đơn đường biển (Bill of lading – B/L) là chứng từ vận tải đường biển do người chuyên chở (Carrier) hoặc người đại diện của họ (Agent) cấp phát. Sau khi đã xếp hàng lên tàu hoặc người chuyên chở đã nhận hàng thì vận đơn sẽ được gửi cho người gửi hàng (Shipper).

Trong vận chuyển bằng đường biển thì vận đơn đường biển (Bill of lading – B/L) có vai trò làm:

  • Biên lai nhận hàng 
  • Làm bằng chứng cho hợp đồng vận tải 
  • Làm chứng từ chứng minh quyền sở hữu lô hàng

Vận đơn đường biển được phát hành theo bộ, thường gồm 6 bản. Trong đó có 3 bản gốc (original) và 3 bản sao (copy). Một bộ vận đơn đường biển có thể có một bản gốc duy nhất hoặc 2 hay nhiều bản gốc giống nhau. 

Khi phát hành vận đơn, tất cả các bản gốc và bản sao đều được giao cho người gửi hàng.

II. Đọc Hiểu Chi Tiết Vận Đơn Đường Biển

Các bạn có thể xem hướng dẫn chi tiết và cụ thể bên dưới hoặc xem video cũng rất dễ hiểu và đơn giản nhé

Thông tin về nội dung chi tiết trên vận đơn đường biển được trình bày tiêu chuẩn theo thứ tự dưới đây:

1. BILL NO. & LINES/ SHIPPER/ CONSIGNEE/ NOTIFY PARTY

(1) Số vận đơn (Bill No. & LINES) do người phát hành B/L đặt theo quy định và sử dụng để tra cứu B/L, tra cứu lô hàng, khai báo hải quan. Phần thông tin về Hãng tàu (Lines) cho biết tên hãng tàu chở hàng và Logo của hãng để nhận biết dễ dàng.

(2) Người gửi hàng (Shipper) thể hiện “tên + địa chỉ của người xuất khẩu” (nếu là House B/L) và thể hiện “tên + địa chỉ của người giao nhận” (nếu là Master B/L).

(3) Người nhận hàng (Consignee) được thể hiện rất nhiều cách tùy thuộc vào loại B/L và theo phương thức thanh toán mà hợp đồng xuất nhập khẩu đã quy định. Mục này có thể ghi như sau:

  • Để trống, không ghi gì cả
  • Ghi tên đầy đủ của người nhận hàng (Consignee)
  • To order/To order of Shipper
  • To order of [tên ngân hàng Mở L/C]
  • To order of [tên của consignee]

Khi ghi phải ghi đầy đủ 4 nội dung: tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, số fax. Thông thường, người gửi hàng (Shipper) nên cho số fax và giấu số điện thoại của người nhận hàng (Consignee đi để tránh để lộ thông tin khách hàng. Hàng đến thì hãng tàu có thể báo cho người mua bằng cách Fax hoặc email Thông báo hàng đến.

(4) Bên được thông báo (NOTIFY PARTY) là bên mà hãng tàu sẽ gửi “Thông báo hàng đến” khi hàng hóa đến cảng đích. Tùy thuộc vào người nhận hàng (Cosignee) sẽ ghi khác nhau. Thông thường mục này sẽ được ghi là:

  • Same as Consignee – Giống mục Người nhận hàng
  • Tên + địa chỉ người nhập khẩu
  • Tên + địa chỉ của bên thứ 3” theo yêu cầu của người nhập khẩu
  • Để trống, không ghi gì cả

Khi ghi phải ghi đầy đủ 4 nội dung: tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, số fax.

2. VESSEL NAME/ VOYAGE NO./ PORT OF LOADING/ PORT OF DISCHARGE / PARTY TO CONTACT FOR CARGO RELEASE

(5) Tên tàu & Số chuyến (Vessel name & VOYAGE NO.) thể hiện tên riêng (Name) của con tàu chở hàng và mã hiệu của chuyến đi này (Voyage no.) sử dụng để tra cứu lô hàng và khai báo hải quan.

Ngoài ra, có thể ghi như sau:

  • Name of Vessel/Voyage No.
  • Mother vessel/Voyage No.
  • MV/Voy. No.
  • Carriage by/Voyage No.

(6) Cảng xếp hàng (Port of loading – POL) thể hiện tên cảng bốc hàng lên tàu ở nước xuất khẩu, có thể ghi thêm Nơi nhận hàng để chở (Place of Receipt) nếu xảy ra việc nhận hàng trong nội địa.

(7) Cảng dỡ hàng (Port of discharge – POD) thể hiện tên cảng dỡ hàng xuống tàu ở nước nhập khẩu, có thể ghi thêm Nơi giao hàng (Place of Delivery) nếu xảy ra việc giao hàng trong nội địa.

(8) Nơi nhận hàng để chở (Place of receipt/Place of pick-up) thể hiện trong trường hợp nếu có vận chuyển nội địa, thì phải ghi lấy hàng từ nơi nào. Thường đó là địa chỉ của xưởng người xuất khẩu.

(9) Place of delivery/Final Destination thể hiện trong trường hợp nếu có vận chuyển nội địa, thì phải ghi giao hàng đến đâu. Thường đó là địa chỉ của xưởng người nhập khẩu.

(10) Bên liên hệ để giải phóng hàng (PARTY TO CONTACT FOR CARGO RELEASE) ghi rõ thông tin liên hệ của đại lý vận tải tại cảng đến. Người nhập khẩu sẽ liên hệ đại lý này để xuất trình B/L, lấy Lệnh giao hàng (D/O), nộp cước và phí vận tải (nếu có).

3. DESCRIPTIONS OF GOODS/ PACKAGES/ CONTAINERS NO./ SEAL NO./ GROSS WEIGHT/ MEASUREMENTS

(11) Mô tả hàng hóa (Descriptions of goods) ghi tên chung chung của lô hàng và mã HS (nếu có).

(12) Số kiện và cách đóng gói (Packages) ghi rõ số lượng kiện, thùng, số lượng container… của cả chuyến hàng.

(13) Số container, số chì (CONTAINERS NO. & SEAL NO.) ghĩ rõ số container (mã container) và số chì (mã niêm phong container) để thuận tiện cho công việc giao nhận hàng và khai báo hải quan.

(14) Khối lượng, thể tích (GROSS WEIGHT & MEASUREMENTS) thể hiện khối lượng cả bì của cả lô hàng và tổng thể tích của lô hàng để thuận tiện cho việc giao nhận và bốc dỡ.

4. FREIGHT & CHARGES/ ON BOARD DATE/ NUMBER OF ORIGINAL/ PLACE & DATE OF ISSUE/ CARRIER’S SIGNATURE

(15) Cước vận tải và Phụ phí (FREIGHT AND CHARGES), trên B/L thường không đề cập rõ số tiền cước và phí mà chỉ ghi chung chung việc tiền cước đã trả trước (Freight Prepaid) tại nước thứ 3 hoặc tiền cước phải thu ở cảng đến (Freight to Collect) bởi người nhận hàng nơi cảng đến. Hoặc thể hiện thêm việc tiền cước và phí được thanh toán tại đâu (Freight payable at).

a) Trường hợp 1

Nếu cước trả tại nước thứ 3, phải ghi tên Công ty thanh toán cước và thông báo cho Đại lý ở nước thứ 3 chi tiết Công ty thanh toán cước và tổng số cước (cộng với phí thu hộ cước và phí chuyển tiền qua Ngân hàng) để tiến hành thu tiền trước khi hàng đến Cảng dỡ hàng (ETA) và xác nhận đã thu đủ tiền cho Đại lý ở Cảng dỡ hàng để thực hiện việc giao hàng.

Ví dụ: Freight to be paid in Hong kong by ABC company.

b) Trường hợp 2

Nếu cước trả sau tại nơi hàng đến, thể hiện tên thành phố mà Người nhận hàng sẽ thanh toán cước hoặc tại Cảng dỡ hàng. 

Ví dụ: Nếu Port of Discharge: Rotterdam, khi đó thể hiện Freight payable at “Rotterdam”.

(16) Ngày hàng lên tàu (ON BOARD DATE) thể hiện ngày người xuất khẩu chính thức giao hàng. Ngày hàng lên tàu có thể giống, có thể khác với ngày phát hành B/L.

(17) Số bản vận đơn gốc (Number of Original), đa số B/L đều thể hiện rõ nó được phát hành mấy bản gốc do tính chất quan trọng của việc chuyển nhượng B/L. Thông thường B/L được phát hành 3 bản gốc, cũng có khi được phát hành 0 (Zero) bản gốc do sử dụng hình thức Telex Release.

(18) Thời gian và địa điểm cấp vận đơn (Place and date of Issue) thể hiện tên thành phố và ngày phát hành B/L. Chỉ phát hành B/L cho khách hàng khi đã hàng xuất đã thông quan, container đã hạ bãi chờ xuất tàu (đối với hàng FCL) hoặc đã đóng vào kho CFS (đối với hàng LCL).

(19) Chữ ký của người vận tải (Carrier’s signature) thể hiện tên đầy đủ và chữ ký của người vận tải hoặc đại lý được ủy quyền phát hành.

Mục này sẽ có các trường hợp ghi như sau:

  • Người chuyên chở-hãng tàu ký phát: sau chữ ký của hãng tàu phải thể hiện dòng chữ “As the carrier” hoặc tương đương.
  • Thuyền trưởng ký phát: sau chữ ký của thuyền trưởng phải thể hiện dòng chữ “As the Master” hoặc tương đương.
  • Đại lý của hãng tàu ký phát (FWD): sau chữ ký của FWD phải thể hiện dòng chữ “As agent for the carrier”.
  • Người thay mặt thuyền trưởng ký: sau chữ ký của người này phải thể hiện dòng chữ “On behalf of Mr. Jonh Herry, as the master”.

5. ON THE BACK

Mặt sau của B/L (BACK) gồm những quy định có liên quan đến vận chuyển do hãng tàu in sẵn, người thuê tàu không có quyền bổ sung hay sửa đổi mà mặc nhiên phải chấp nhận nó.

Mặt sau thường gồm các nội dung như các định nghĩa, điều khoản chung, điều khoản trách nhiệm của người chuyên chở, điều khoản xếp dỡ và giao nhận, điều khoản cước phí và phụ phí, điều khoản giới hạn trách nhiệm của người chuyên chở, điều khoản miễn trách của người chuyên chở,…

III. Những Lưu Ý Cần Biết

1. Khi đọc vận đơn đường biển

Vì được xem như là một hợp đồng vận chuyển nên người gửi hàng hoặc người nhận hàng phải tuyệt đối xem kỹ các thông tin trên vận đơn. Người đọc cần phải lưu ý những điểm sau:

  • Thông tin Shipper, thông tin Consignee và thông tin Notify of party.
  • Port of discharge (cảng dỡ hàng) và Place of Delivery (nơi giao hàng), tránh tình trạng giao sai cảng đích và sai địa điểm.
  • Thông tin mark và thông tin mô tả về hàng hóa.
  • Số lượng, trọng lượng, số khối.
  • Số container và số seal.

Tất cả các thông tin trên đều rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhận hàng của Consignee. Một thông tin sai nếu phát hiện trễ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến nhà nhập khẩu có thể phải điều chỉnh Manifest, gây pháp sinh không đáng có.

2. Người làm vận đơn đường biển

Đối với các nhân viên chứng từ cần kiểm tra thông tin chính xác tránh tình trạng nhầm lẫn giữa các lô hàng, cần chú ý những điểm sau:

  • Đối với việc copy file của những lô hàng cũ, thì phải kiểm tra cẩn thận và xóa các thông tin cũ, tránh tình trạng điền sai thông tin.
  • Những thông được nhận từ shipper phải kiểm tra lại, hỗ trợ shipper việc check thông tin, đặc biệt là thông tin về số container và số seal.

Xem thêm phân tích chuyên sâu về vận đơn đường biển, nội dung trích từ khoá học xuất nhập khẩu thực tế tại VINATRAIN

Để nhận thêm nhiều tài liệu và kiến thức về xuất nhập khẩu thực tế hãy tham gia ngay nhóm tự học xuất nhập khẩu online cùng VinaTrain. Đã có hơn 11.000 thành viên tham gia nhóm tự học này nhận được hỗ trợ từ VinaTrain.

Hướng dẫn đọc hiểu chi tiết vận đơn đường biển (Bill of lading)

Hy vọng với những chia sẻ trên đã giúp độc giả hiểu rõ về vận đơn đường biển (Bill of lading) trong giao nhận hàng hóa quốc tế.

Như vậy, trong bài viết này, hệ thống đào tạo thực tế Vinatrain đã gửi tới bạn đọc thông tin về “Hướng dẫn đọc hiểu vận đơn đường biển”. Nội dung này có trong chương trình đào tạo tại khóa học xuất nhập khẩu thực tế do VinaTrain tổ chức. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo lịch khai giảng được cập nhật tại website của trung tâm VinaTrain.

Hoàng Văn Châu

Tác giả: Hoàng Văn Châu

Chuyên gia Xuất Nhập Khẩu - Logistics với hơn 15 năm kinh nghiệm. Hiện đang là giảng viên - Quản lý chất lượng đào tạo tại Vinatrain, Tư vấn các vấn đề liên quan hải quan - Logistics


HỆ THỐNG ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ THỰC TẾ VINATRAIN

  • Chi nhánh Hồ Chí Minh: 45 Đường Thạch Thị Thanh,Phường Tân Định, Quận 1
  • Chi nhánh Hà Nội: 185 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Văn phòng Hà Nội: CT1-A, Khu đô thị XaLa, Phường Phúc La, Quận Hà Đông, Hà Nội
  • Hotline tư vấn đào tạo: 0964.237.168
  • Hotline tư vấn dịch vụ: 0931.705.774
  • Gmail: vinatrain.edu.vn@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *