Đây là chế độ không phổ biến, ít gặp trong quá trình làm việc thực tế nên nhiều người lao động không biết các chế độ mình được hưởng là gì và cũng như doanh nghiệp không biết phải chi trả làm sao cho đúng quy định. Chính vì lý do đó, trung tâm VinaTrain chia sẻ bài viết sau để mọi người nắm rõ hơn về các chế độ liên quan tới tai nạn lao động
1. Điều Kiện Hưởng Tai Nạn Lao Động.
Thỏa mãn đầy đủ 02 điều kiện sau đây:
– Bị tai nạn:
+ Tại nơi làm việc, trong giờ làm việc;
+ Hoặc ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc và từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian, tuyến đường hợp lý.
– Phải suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn gây ra
Lưu ý: Giờ làm việc tính toàn bộ thời gian người lao động có mặt tại doanh nghiệp (điểm a, khoản 1, điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động)
2. Chế Độ Bảo Hiểm Xã Hội Liên Quan Đến Tai Nạn Lao Động.
– Trợ cấp 1 lần được chi trả khi người lao động có mức suy giảm khả năng lao động dưới 30%.
– Trợ cấp hàng tháng được chi trả khi người lao động có mức suy giảm khả năng lao động trên 31%.
– Trợ cấp phục vụ được chi trả khi người lao động có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và bị liệt cột sống, hoặc mù hai mắt, hoặc cụt, liệt hai chi (tay hoặc chân) hoặc bị bệnh tâm thần.
– Trợ một lần chết do tai nạn lao động được chi trả khi người lao động chết do tai nạn lao động, hoặc chết trong quá trình điều trị tai nạn lao động.
– Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, chỉnh hình hỗ trợ khi người lao động bị tổn thương các bộ phận trên cơ thể.
– Dưỡng sức, hồi phục sức khỏe sau điều trị tai nạn lao động được chi trả sau khi người lao động đã điều trị ổn định sức khỏe, mà sức khỏe vẫn chưa hồi phục nên tiếp tục nghỉ để dưỡng sức, hồi phục.
3. Chế Độ Hỗ Trợ Do Doanh Nghiệp Chi Trả Liên Quan Tới Tai Nạn Lao Động.
Ngoài chế độ do bảo hiểm xã hội hỗ trợ chi trả thì người sử dụng lao động phải thực hiện hỗ trợ về chi phí điều trị, cụ thể như sau:
– Chi trả phí giám định suy giảm khả năng lao động lần đầu. Sau lần đầu giám định, doanh nghiệp sẽ chi trả phí giám định khi người lao động có mức suy giảm khả năng lao động cao hơn lần trước.
– Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.
– Thanh toán toàn bộ chi phí y tế cho người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
– Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động trong thời gian nghỉ việc điều trị.
Khi xảy ra tai nạn lao động mà không phải lỗi hoàn toàn do người lao động, doanh nghiệp phải thực hiện bồi thường cho người lao động, cụ thể như sau:
– Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5% dưới 10%; sau đó cứ tăng 1% suy giảm khả năng lao động thì thêm 0,4 tháng tiền lương nếu mức suy giảm khả năng lao động từ 11% – 80%.
– Ít nhất 30 tháng tiền lương khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Còn trường hợp lỗi hoàn toàn do người lao động gây ra thì mức trợ cấp ít nhất là 40% mức bồi thường không phải lỗi hoàn toàn do người lao động.
4. Các Trường Hợp Không Được Hưởng Chế Độ Hỗ Trợ Do Doanh Nghiệp Chi Trả Liên Quan Tới Tai Nạn Lao Động
– Do mâu thuẫn cá nhân, không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
– Do cố ý tự hủy hoại sức khỏe bản thân;
– Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác.
* Tài liệu tham khảo:
– Luật bảo hiểm xã hội 2014
– Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
Nếu có vấn đề thắc mắc liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội thì các bạn có thể đặt câu hỏi ngay tại bên dưới bài viết hoặc gửi email vào leminhnghia23290@gmail.com. Cám ơn
Ths. Lê Minh Nghĩa – Giảng viên nghiệp vụ HCNS tại Trung tâm Giáo dục đào tạo thực tế VinaTrain
cho mình hỏi mình bị tai nạn lao động nhưn do đi công tác có được hưởng chế độ k và cần nhữn gì để hưởng ạ, bên mình bạn nhân sự chưa hỗ trợ làm cho mình cái này