Hiện nay, thư tín dụng điều khoản đỏ (Red Clause L/C) đã được sử dụng khá rộng rãi, nhất là trong thanh toán nhập khẩu đối với hàng hóa nông, lâm, thổ sản có thời vụ. Vậy L/C điều khoản đỏ là gì? Tại sao lại được sử dụng rộng rãi đối với hàng hóa đó? Các bạn cùng Trung tâm xuất nhập khẩu VinaTrain theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Khái Niệm L/C điều khoản đỏ là gì?
L/C điều khoản đỏ (Red Clause L/C) là thư tín dụng có điều khoản đi kèm, theo đó ngân hàng phát hành (hoặc ủy quyền cho ngân hàng thông báo) cam kết sẽ ứng trước cho người hưởng lợi một phần giá trị L/C. Trên cơ sở đó, để mua được hàng hóa phục vụ sản xuất, người hưởng lợi phải xuất trình biên nhận, cam kết bằng văn bản và xuất trình chứng từ giao hàng trong thời hạn hiệu lực của L/C.
L/C điều khoản đỏ (Red Clause L/C) còn được gọi là L/C điều khoản ứng trước (Advance Clause L/C) , L/C điều khoản đặc biệt ( Special Clause L/C).
Nội dung của L/C điều khoản đỏ
Theo điều khoản, Ngân hàng phát hành cam kết sẽ ứng trước cho người hưởng lợi một số tiền nhất định của L/C. Chứng từ khi nhận được thường là các chứng từ: hóa đơn, hối phiếu của số tiền ứng trước; giấy nhận nợ hoặc cam kết giao hàng.
- Ví dụ: Người xuất khẩu được ứng trước 50% giá trị của L/C, bằng xuất trình hối phiếu đòi tiền kèm theo cam kết các chứng từ giao hàng sẽ được xuất trình qua ngân hàng thông báo trong một thời hạn hiệu lực cho phép.
Với trường hợp ngân hàng phát hành chỉ ứng trước tiền cho người hưởng lợi dưới sự bảo lãnh của ngân hàng người hưởng nên người hưởng lợi sẽ phải thương lượng với ngân hàng bảo lãnh của mình để phát hành bảo lãnh trước khi nhận được tiền theo điều khoản đỏ.
Trách nhiệm của các bên liên quan khi sử dụng L/C điều khoản đỏ
- Về phía bên xuất khẩu
Theo điều khoản đỏ, bên xuất khẩu nhận được một số tiền trước khi giao hàng tùy hai bên thỏa thuận để sử dụng vào việc chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu, giảm được khó khăn về tài chính và có thị trường xuất khẩu ổn định. Đây chính là ưu điểm của L/C điều khoản đỏ đối với bên xuất khẩu
- Về phía bên nhập khẩu
Theo điều khoản đỏ, bên nhập khẩu phải mở thư tín dụng sớm hơn trước khi giao hàng và phải chịu chi phí, rủi ro về việc ứng trước, nhưng họ được bù đắp bằng giá hàng thấp hơn và nguồn hàng nhập khẩu ổn định ngay thị trường có sự biến động
- Về phía bên ngân hàng
Khi phát hành L/C điều khoản đỏ, hầu hết các ngân hàng thường áp dụng số tiền ứng trước bằng một trong hai cách:
Ngân hàng phát hành tự mình cấp tiền ứng trước khi nhận được lệnh đòi tiền ứng trước từ bên xuất khẩu. Trong đó, ngân hàng bên xuất khẩu sẽ xác nhận hối phiếu của số tiền ứng trước và các điều kiện liên quan đến L/C đã phù hợp.
Ngân hàng phát hành ủy quyền ngân hàng bên xuất khẩu để cấp tiền ứng trước theo điều khoản đỏ đã qui định trong L/C. Sau đó, số tiền ứng trước và tiền lãi suất sẽ được hoàn trả bởi Ngân hàng phát hành (hoặc được khấu trừ vào hóa đơn tiền hàng của bên bán).
Các loại L/C điều khoản đỏ
Trong thực tế giao dịch ngân hàng sẽ áp dụng 3 loại L/C điều khoản đỏ:
1, Điều khoản đỏ trơn (không có đảm bảo): Ngân hàng phát hành ủy quyền cho ngân hàng thông báo ứng trước cho người người hưởng lợi một phần giá trị L/C khi nhận được cam kết số tiền ứng trước sẽ được sử dụng để trả tiền mua hàng hóa.
2, Điều khoản đỏ kèm chứng từ (có đảm bảo):Theo điều khoản đỏ kèm chứng từ, ngân hàng phát hành ủy quyền ứng trước cho ngân hàng thông báo một phần giá trị L/C khi người thụ hưởng xuất trình biên lai gửi kho, một số chứng từ liên quan khác và chứng từ cam kết sẽ giao hàng theo yêu cầu của L/C khi thực hiện giao hàng.
Nếu người thụ hưởng sau đó vi phạm cam kết trong việc không xuất trình chứng từ phù hợp theo các điều kiện và điều khoản của L/C, thì ngân hàng thông báo có quyền yêu cầu ngân hàng phát hành hoàn trả tiền ứng trước, tiền lãi và các chi phí khác.
3, Điều khoản đỏ “biên nhận & cam kết” (hóa đơn & cam kết): Loại điều khoản đỏ “biên nhận & cam kết” không được phổ biến cho lắm. Tuy nhiên, khi ngân hàng thông báo chưa tự tin với L/C điều khoản đỏ thì các ngân hàng ở Việt Nam sẽ áp dụng loại L/C điều khoản đỏ này.
Điều khoản này khác với hai loại điều khoản trên, nó cho phép ngân hàng thông báo ứng trước tiền hàng khi nhận được biên nhận và hóa đơn của người thụ hưởng cùng với cam kết sẽ hoàn trả số tiền ứng trước trong trường hợp không xuất trình chứng từ phù hợp theo L/C.
Ứng trước theo điều khoản “biên nhận và cam kết” thường không được thực hiện từ nguồn vốn của ngân hàng thông báo nhưng được thực hiện khi ngân hàng phát hành trả tiền và người thụ hưởng chịu trách nhiệm trước ngân hàng phát hành khi vi phạm.
Các bạn cần phải hiểu rõ từng loại L/C để vận dụng phương thức thanh toán sao cho phù hợp, tránh những rủi ro không đáng có. Nội dung về L/C điều khoản đỏ năm trong bài giảng thanh toán quôc tế được giảng dạy tại khóa học xuất nhập khẩu thực tế do trung tâm Xuất Nhập Khẩu VinaTrain tổ chức.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết trên đây.
Chúc các bạn thành công!
Mục lục nội dung