Sửa Tờ Khai Sau Thông Quan CÓ BỊ PHẠT KHÔNG, Được sửa bao nhiêu lần?

1020 lượt xem Xuất Nhập Khẩu
Sửa tờ khai sau thông quan có bị phạt không? và được sửa bao nhiêu lần?

Khi tờ khai Hải quan đã được thông quan, sau đó công ty tôi mới phát hiện ra lỗi sai thông tin người xuất khẩu cần sửa lại thì sẽ xử lý như thế nào? Vậy, việc Doanh nghiệp sửa tờ khai sau thông quan có bị phạt không? Và được sửa lại bao nhiêu lần? Nhờ trung tâm VinaTrain giải đáp câu hỏi sớm nhất. Xin cảm ơn!

Hữu Mạnh – Ninh Bình

Ban biên tập VinaTrain đã chuyển tới Chuyên gia Ngô Thọ Trung – Giảng viên Xuất Nhập Khẩu tại Vinatrain, kinh nghiệm trên 20 năm trong lĩnh vực XNK, khai báo Hải quan, nhờ hỗ trợ tư vấn cho câu hỏi của anh Mạnh. Để giải đáp thắc mắc về việc “Sửa tờ khai sau thông quan có bị phạt không, và được sửa lại bao nhiêu lần? Cách xử lý như thế nào?” mời anh, chị và các bạn độc giả cùng tìm hiểu trong bài biết dưới đây nhé.

Sửa tờ khai sau thông quan có bị phạt không? và được sửa bao nhiêu lần?
Sửa tờ khai sau thông quan có bị phạt không? và được sửa bao nhiêu lần?

I. Quy định của pháp luật về khai báo Hải quan

Khi Doanh nghiệp muốn Xuất – Nhập một lô hàng qua biên giới Việt nam sẽ phải được cấp phép thông quan hàng hóa từ cơ quan Hải quan (Luật Hải quan 2014). Và Doanh nghiệp không chỉ cần nắm rõ quy trình khai báo mà còn cần biết rõ về thủ tục Hải quan để hàng hóa nhanh chóng được lưu thông, tránh xảy ra sự cố không đáng có.

Thủ tục hải quan xuất, nhập khẩu hàng hóa có thể được làm tại Chi cục hải quan tại cửa khẩu hoặc ngoài cửa khẩu. 

1. Đăng kí tờ khai

Tờ khai hải quan là 1 trong những giấy tờ nằm trong bộ hồ sơ khai báo hải quan dùng để nộp và xuất trình khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra còn có các chứng từ liên quan gồm: hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu…(quy định tại khoản 8 điều 4 LHQ 2014)

Phương thức đăng kí tờ khai căn cứ theo Khoản 1 điều 30 LHQ 2014 quy định như sau:

  • Đối với tờ khai hải quan điện tử: áp dụng đăng kí theo phương thức điện tử.
  • Đối với tờ khai hải quan giấy: áp dụng đăng kí trực tiếp tại cơ quan hải quan.

Tờ khai hải quan được đăng ký sau khi cơ quan hải quan chấp nhận việc khai của người khai hải quan. Thời điểm đăng ký được ghi trên tờ khai hải quan. Trường hợp không chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan, cơ quan hải quan thông báo lý do bằng văn bản giấy hoặc qua phương thức điện tử cho người khai hải quan biết. (Khoản 2 Điều 30 LHQ 2014)

2. Hồ sơ hải quan

Căn cứ theo Điều 24 LHQ 2014, bộ hồ sơ hải quan xuất, nhập khẩu bao gồm:

  • Tờ khai hải quan
  • Hóa đơn thương mại
  • Vận đơn hoặc những chứng từ vận tải khác
  • Giấy phép nhập khẩu hoặc văn bản cho phép xuất nhập khẩu
  • Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành
  • Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân
  • Tờ khai trị giá Hải quan

Hồ sơ hải quan được nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan tại trụ sở cơ quan hải quan.

3. Thời hạn nộp Bộ hồ sơ hải quan

Căn cứ theo Điều 25 LHQ 2014, thời hạn nộp bộ hồ sơ hải quan xuất, nhập khẩu được quy định như sau:

a, Tờ khai hải quan:

  • Đối với hàng hóa xuất khẩu, nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;
  • Đối với hàng hóa nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu;
  • Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật này.

Giá trị của tờ khai hải quan: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký.

b, Chứng từ có liên quan:

  • Trường hợp khai hải quan điện tử, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, người khai hải quan nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan, trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia
  • Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình chứng từ có liên quan khi đăng ký tờ khai hải quan.

II. Sửa tờ khai hải quan sau thông quan có bị xử phạt không?

Căn cứ theo Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTCkhoản 9 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung thì khi doanh nghiệp phát hiện sai sót trong việc khai hải quan, nếu chủ động thực hiện khai bổ sung trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan thì được miễn xử phạt.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 9 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP, Nếu sửa tờ khai hải quan quá 60 ngày do khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế thì doanh nghiệp hoặc người xuất, nhập khẩu sẽ phải chịu phạt, cụ thể mức phạt như sau:

  • Phạt 10% tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này mà người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ thuế theo quy định pháp luật hải quan thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan;
  • Sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với hàng hóa đã được thông quan;
  • Quá thời hạn quy định khai bổ sung báo cáo quyết toán nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan ban hành quyết định kiểm tra báo cáo quyết toán.

  • Phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với một trong các trường hợp sau:

Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này mà cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan;

Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này bị phát hiện khi kiểm tra, thanh tra đối với hàng hóa đã thông quan;

Không khai bổ sung về trị giá hải quan theo quy định mà bị phát hiện khi kiểm tra, thanh tra đối với trường hợp hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan;

Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này mà người khai hải quan tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ thuế sau khi có kết luận kiểm tra, thanh tra.

Vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản này mà cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính thì xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP.

Đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà doanh nghiệp không sửa tờ khai sau thông quan thì theo quy định tại Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

  • Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP.
  • Phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng đối với hành vi khai sai so với thực tế về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa và thuộc một trong các trường hợp: Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, hàng hóa trung chuyển; Hàng hóa sử dụng, tiêu hủy trong khu phi thuế quan.
  • Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi khai sai so với thực tế về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 và điểm d khoản 4 Điều 8 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP.
  • Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm được quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP.
  • Phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với hành vi đã làm thủ tục hải quan nhưng không xuất khẩu, xuất khẩu thiếu so với khai hải quan về lượng, tên hàng, trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu; trừ hàng hóa xuất khẩu là sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Quy định này không áp dụng cho các trường hợp tờ khai hải quan không có giá trị làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Hải quan năm 2014;….

III. Được sửa tờ khai hải quan bao nhiêu lần?

Theo tổng cục Hải quan, trên hệ thống VNACCS/VCIS đối với nghiệp vụ khai sửa đổi, bổ sung sau thông quan liên quan đến thuế và các thông tin cho dòng hàng (AMA) được phép khai sửa đổi, bổ sung nhiều lần và không giới hạn số lần khai sửa đổi, bổ sung đối với một tờ khai.

Xử lý sửa tờ khai Hải quan

Khi phát hiện ra lỗi sai trên tờ khai hải quan, cần chuẩn bị giấy tờ sửa đổi bổ sung gồm:

  • Văn bản sửa chữa, khai bổ sung: nộp 02 bản chính;
  • Các giấy tờ kèm theo để chứng minh việc sửa chữa, khai bổ sung.

Nếu Doanh nghiệp cần sửa đổi bổ sung các thông tin trên thông tin chung của tờ khai, sẽ sử dụng công văn đề nghị để cơ quan Hải quan xem xét và tiến hành sửa đổi.

Nếu Doanh nghiệp cần sửa đổi bổ sung tiền thuế và các thông tin dòng hàng, doanh nghiệp sử dụng nghiệp vụ “Đăng ký bổ sung thay đổi thuế – AMA” trên phần mềm ECUS5VNACCS. 

Lưu ý: Thời gian và thủ tục sửa tờ khai hải quan, doanh nghiệp cần tham khảo kỹ hướng dẫn tại Luật Hải Quan 2014 và những thông tư, nghị định ban hành kèm theo. Để biết được việc này bạn cần tham khảo thêm về quyền và nghĩa vụ của người khai báo hải quan.

Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan

Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CPĐiều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP thì người khai hải quan gồm:

  • Chủ hàng hóa xuất nhập khẩu
  • Chủ phương tiện và người điều khiển
  • Người được ủy quyền
  • Chuyên gia quá cảnh và trung chuyển hàng hóa
  • Đại lý làm thủ tục hải quan
  • Doanh nghiệp dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh quốc tế

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Luật Hải quan 2014 thì quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan được quy định cụ thể như sau:

1. Người khai Hải quan có quyền

  • Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin liên quan đến việc khai hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hướng dẫn làm thủ tục hải quan, phổ biến pháp luật về hải quan;
  • Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan hải quan;
  • Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác;
  • Yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan;
  • Sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật;
  • Khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan;
  • Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Người khai hải quan là chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải có nghĩa vụ

  • Khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật này;
  • Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để cơ quan hải quan thực hiện xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa;
  • Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan;
  • Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải;
  • Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đã được thông quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn do pháp luật quy định; xuất trình hồ sơ, cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo quy định tại các điều 32, 79 và 80 của Luật này;
  • Bố trí người, phương tiện thực hiện các công việc liên quan để công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
  • Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Trường hợp được ủy quyền

Người khai hải quan là đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, e và g khoản 2 Điều này trong phạm vi được ủy quyền. Người khai hải quan là người điều khiển phương tiện vận tải thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, e và g khoản 2 Điều này.

Nếu bạn cần tìm hiểu về thủ tục hải quan và quy định chi tiết thêm quyền và nghĩa vụ của người khai báo hải quan, được sửa tờ khai tối đa bao nhiêu lần  hãy tham gia ngay nhóm tự học xuất nhập khẩu để nhận thêm nhiều tài liệu và kiến thức về xuất nhập khẩu thực tế cùng VinaTrain. Đã có hơn 10.000 thành viên tham gia nhóm tự học này nhận được hỗ trợ từ VinaTrain.

Bài viết trên nội dung về xử lý tờ khai hải quan, với câu hỏi “Sửa tờ khai sau thông quan có bị phạt không, và được sửa lại bao nhiêu lần?” chắc hẳn bạn đọc đã có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này. Hy vọng bài viết sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ cũng như đóng góp ý kiến của bạn đọc phía bên dưới đây. 

Hà Linh (Tổng hợp)

HỆ THỐNG ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ THỰC TẾ VINATRAIN

  • Chi nhánh Hồ Chí Minh: 45 Đường Thạch Thị Thanh,Phường Tân Định, Quận 1
  • Chi nhánh Hà Nội: 185 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Văn phòng Hà Nội: CT1-A, Khu đô thị XaLa, Phường Phúc La, Quận Hà Đông, Hà Nội
  • Hotline tư vấn đào tạo: 0964.237.168
  • Hotline tư vấn dịch vụ: 0931.705.774
  • Gmail: vinatrain.edu.vn@gmail.com

Thảo Luận & Hỏi Đáp

  1. Yến Phương says:

    Cho em hỏi mỗi lần mình sửa tờ khai thì sẽ bị phạt tính theo phần trăm trên số khai thiếu. Vậy chỉ bổ sung hồ sơ thì có bị phạt không ạ

    0
    0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *